Giao dịch Bất động sản được dự báo sẽ tăng nhiệt với dòng vốn nước ngoài đầu tư ồ ạt

Theo báo cáo tổng kết thị trường 5 tháng đầu năm 2018 của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thị trường giao dịch bất động sản có xu thế tăng dần những năm gần đây.

Dòng vốn nước ngoài tiếp tục rót mạnh vào bất động sản

Cụ thể, tại TP. HCM, năm 2015 đạt 1,497 tỷ USD (chiếm 53,3%); năm 2016, có sự sụt giảm chỉ đạt 1 tỷ USD; năm 2017 lại tăng mạnh, đạt 1,01 tỷ USD; chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt đến 216,3 triệu USD.

Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Đài Loan, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Trong đó, nguồn kiều hối gửi về nước hàng năm giữ ở mức trên dưới 10 tỷ USD. TP. HCM chiếm khoảng 50% và có khoảng 21% đầu tư vào bất động sản. Trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp tư vấn đầu tư BĐS lên sàn chứng khoán. Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Theo đánh giá của HoREA, nguồn vốn FDI – một trong những thước đo kết quả hội nhập của nền kinh tế, của thị trường bất động sản nước ta. Trong đó, giao dịch bất động sản thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI. Đồng thời, bổ sung thêm nguồn vốn quan trọng cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản.

Theo báo cáo của HoREA, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản.

Thứ nhất, nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở; đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước;

Thứ hai, nước ta giữ vững ổn định chính trị, kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Các yếu tố này giúp thị trường bất động sản hấp dẫn và dễ tiếp cận hơn.

Thị trường giao dịch bất động sản TP. HCM ghi nhận dấu hiệu khá tốt

Sau quý I/2018 với diễn biến khá tốt từ thị trường thì đến quý II/2018, BĐS TP. HCM chứng kiến sự sôi động ở cả nguồn cung lẫn giao dịch mặc dù doanh nghiệp thận trọng hơn với việc ra sản phẩm.

Theo khảo sát của Công ty DKRA Việt Nam, trong quý I/2018, thị trường BĐS TP. HCM đón nhận 10.341 căn hộ mở bán, bằng 135% nguồn cung của cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ cũng khá khả quan, ước tính khoảng 8.946 căn (86%), tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm 2017.

Còn theo dự báo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong quý II/2018 lượng giao dịch BĐS sẽ tăng cao hơn quý I. Các phân khúc sẽ tăng mạnh nguồn cung, do có sự ra mắt nhiều dự án lớn, đặc biệt là phân khúc cao cấp và biệt thự hạng sang. Vì các dự án phân khúc này hầu hết đều tọa lạc tại vị trí đắt giá, thiết kế sang trọng, tiện ích vượt trội, chủ đầu tư uy tín nên hấp lực thị trường lớn.

Nhà đầu tư ngoại rót tiền vào bất động sản bình dân

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản trong 10 năm qua đạt 53,2 tỷ USD. Trong đó, thị trường nhà ở cao cấp luôn là lựa chọn hàng đầu.

Trong một báo cáo vừa công bố, Joneslanglasalle (JLL) đánh giá, những tên tuổi quen thuộc như Keppel Land, Capitaland,… với những dự án bất động sản cao cấp đầu tiên tại Việt Nam trong 10 năm trước đã mang đến tổng nguồn cung 1.000 trên tổng số 1.700 căn hộ cao cấp của toàn thị trường TP. HCM vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, dòng vốn FDI còn có xu hướng mở rộng vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. “Phân khúc đầu tư của các liên doanh đa dạng nhắm đến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư ngoại đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt” – bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn tại Việt Nam, JLL, nhận định.

Lợi thế của các chủ đầu tư trong nước là sự thông hiểu thị trường, hệ thống hành lang pháp lý, danh mục các bất động sản đã được xác lập, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án sẽ làm gia tăng giá trị dự án.